Khi Nào Nên Đến Bệnh Viện Để Sinh Con?
Những tuần cuối thai kỳ là thời điểm mẹ bầu bắt đầu đếm ngược từng ngày để được ôm bé yêu trong vòng tay. Nhưng đi kèm với cảm giác háo hức ấy là hàng loạt nỗi lo: Khi nào mới chuyển dạ thật? Đau như vậy có phải sắp sinh không? Có nên đi viện chưa?. Lỡ vào viện sớm quá lại phải nằm chờ, còn nếu muộn quá thì sợ nguy hiểm cho bé. Những băn khoăn ấy là hoàn toàn bình thường, đặc biệt với những mẹ sinh lần đầu. Vì vậy, hiểu rõ các dấu hiệu chuyển dạ thật sự, phân biệt với dấu hiệu giả và biết thời điểm phù hợp để đến bệnh viện không chỉ giúp mẹ bớt lo lắng mà còn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Bài viết này sẽ giúp mẹ nhận biết rõ hơn các tín hiệu quan trọng, chuẩn bị tinh thần vững vàng cho hành trình “vượt cạn” trọn vẹn.
1. Chuyển dạ thật và chuyển dạ giả đâu là sự khác biệt?
Trong những tuần cuối thai kỳ cơ thể mẹ bắt đầu xuất hiện những cơn co nhẹ, không đều, thường được gọi là chuyển dạ giả hay cơn gò Braxton Hicks. Những cơn gò này thường không đau nhiều, không đều đặn, có thể biến mất khi mẹ thay đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi. Điều đặc biệt là chúng không làm cổ tử cung mở. Đây là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường, cho thấy cơ thể mẹ đang luyện tập, chuẩn bị cho thời khắc thật sự. Ngược lại, chuyển dạ thật xảy ra khi cơn gò xuất hiện đều đặn, mạnh dần, kéo dài lâu hơn và khoảng cách giữa các cơn ngày càng rút ngắn. Đau bắt đầu từ vùng bụng dưới, lan ra lưng và không thuyên giảm khi thay đổi tư thế. Khi đó, cổ tử cung bắt đầu mở và cơ thể mẹ thực sự bước vào giai đoạn sinh nở. Việc phân biệt hai trạng thái này rất quan trọng để mẹ không đến viện quá sớm gây mệt mỏi cũng không để quá muộn ảnh hưởng đến sự an toàn của mẹ và bé.
2. Những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc mẹ cần đến bệnh viện
Dấu hiệu rõ ràng nhất là vỡ ối. Nếu mẹ thấy nước âm đạo rỉ ra từng chút hoặc ào ạt dù có đau bụng hay không đều phải đến bệnh viện ngay. Vì sau khi ối vỡ, môi trường vô trùng quanh thai nhi bị mất đi, nguy cơ nhiễm trùng và tụt dây rốn sẽ cao hơn nếu mẹ chậm trễ. Dấu hiệu tiếp theo là các cơn co tử cung đều đặn, tăng dần, cách nhau khoảng 5 - 10 phút, mỗi cơn kéo dài 30 - 60 giây. Nếu cơn đau diễn ra đều đặn trong khoảng 1 giờ, kèm cảm giác nặng bụng, đau lưng lan xuống dưới đây chính là thời điểm mẹ nên vào viện để bác sĩ theo dõi chuyển dạ. Ngoài ra, nếu mẹ thấy ra máu đỏ tươi hoặc lượng máu lớn như kinh nguyệt thì cần đến bệnh viện ngay vì có thể là dấu hiệu của nhau bong non, cần cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp mẹ thấy thai máy yếu đi bất thường, con không đạp như thường lệ, hoặc mẹ có cảm giác bất an, linh tính “không ổn”, cũng đừng chần chừ hãy đến viện kiểm tra vì trực giác của người mẹ rất nhạy và đôi khi có thể cứu cả hai mẹ con trong tình huống nguy cấp.
3. Các trường hợp đặc biệt cần đi viện sớm hơn
Với những mẹ có tiền sử sinh non, từng sinh mổ, mang thai đôi, ngôi thai ngược, nhau tiền đạo hoặc có các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn đông máu việc đến bệnh viện cần thực hiện sớm hơn người khác. Trong những trường hợp này, việc tự theo dõi tại nhà có thể không đủ an toàn vì quá trình chuyển dạ thường diễn tiến nhanh và khó kiểm soát. Mẹ nên chủ động sắp xếp người đưa đi viện, chuẩn bị túi đồ sinh đầy đủ từ tuần 35 và trao đổi với bác sĩ để xác định thời điểm lý tưởng nên nhập viện. Một số mẹ có thai IVF hoặc thai hiếm muộn cũng được bác sĩ chỉ định theo dõi sát hơn và nhập viện khi có dấu hiệu nhỏ để tránh các rủi ro ngoài ý muốn.
4. Vào viện lúc nào là lý tưởng nhất?
Với mẹ sinh con lần đầu, thời điểm tốt để đến bệnh viện thường là khi cổ tử cung mở được 2 - 3 cm, các cơn co thắt xuất hiện đều và mạnh hơn, khoảng cách rút ngắn còn 5 phút. Với mẹ từng sinh thường, có thể vào viện sớm hơn vì quá trình mở cổ tử cung có thể nhanh hơn dự đoán. Tránh vào viện quá sớm khi cổ tử cung chưa mở hoặc cơn gò chưa ổn định, mẹ sẽ phải chờ lâu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến tinh thần và năng lượng. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bất thường hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, mẹ nên ưu tiên an toàn và vào viện ngay khi có chuyển động khác lạ.
5. Kết luận - Vào viện đúng lúc để hành trình vượt cạn nhẹ nhàng hơn
Vân Anh tin rằng, việc đi sinh không chỉ là một khoảnh khắc mà là một bước ngoặt lớn trong hành trình làm mẹ. Vì vậy, mẹ cần trang bị kiến thức, hiểu rõ cơ thể mình và tin vào trực giác để biết khi nào nên đến viện. Không đi quá sớm để tránh mất sức, không chần chừ quá lâu để đảm bảo an toàn chính là cách mẹ chủ động cho một cuộc sinh thuận lợi, trọn vẹn. Và trên hết, mẹ không đơn độc trong hành trình ấy. Với sự đồng hành của bác sĩ, người thân và chính bản thân mình, mẹ sẽ đi qua thời khắc thiêng liêng ấy bằng tất cả sự mạnh mẽ, bình tĩnh và yêu thương.