Khi Nào Nên Cho Bé Đi Xét Nghiệm Máu?

12/05/2025    28    4.6/5 trong 2 lượt 
Khi Nào Nên Cho Bé Đi Xét Nghiệm Máu?
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trong những năm đầu đời, hệ miễn dịch còn non yếu, cơ thể luôn thay đổi nhanh chóng nên việc theo dõi sát sao sức khỏe là điều vô cùng cần thiết. Một trong những phương pháp kiểm tra chính xác và nhanh chóng là xét nghiệm máu, giúp phát hiện sớm các bất thường như thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch, dị ứng, các bệnh về men gan hay chỉ số đường huyết. Tuy nhiên, không ít mẹ băn khoăn: có phải bé nào cũng cần xét nghiệm máu định kỳ không? Khi nào thì thực sự cần làm? Có nên chờ bé có biểu hiện bất thường rõ ràng mới làm? Vân Anh cho rằng, hiểu rõ mục đích và thời điểm phù hợp để đưa bé đi xét nghiệm máu sẽ giúp mẹ không bỏ lỡ những “tín hiệu thầm lặng” từ cơ thể con, đồng thời tránh lo lắng không cần thiết.
 

Khi Nào Nên Cho Bé Đi Xét Nghiệm Máu?

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trong những năm đầu đời, hệ miễn dịch còn non yếu, cơ thể luôn thay đổi nhanh chóng nên việc theo dõi sát sao sức khỏe là điều vô cùng cần thiết. Một trong những phương pháp kiểm tra chính xác và nhanh chóng là xét nghiệm máu, giúp phát hiện sớm các bất thường như thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch, dị ứng, các bệnh về men gan hay chỉ số đường huyết. Tuy nhiên, không ít mẹ băn khoăn: có phải bé nào cũng cần xét nghiệm máu định kỳ không? Khi nào thì thực sự cần làm? Có nên chờ bé có biểu hiện bất thường rõ ràng mới làm? Vân Anh cho rằng, hiểu rõ mục đích và thời điểm phù hợp để đưa bé đi xét nghiệm máu sẽ giúp mẹ không bỏ lỡ những “tín hiệu thầm lặng” từ cơ thể con, đồng thời tránh lo lắng không cần thiết. 

1. Khi bé có dấu hiệu thiếu máu hoặc mệt mỏi bất thường

Thiếu máu là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở giai đoạn bé đang lớn nhanh, cần nhiều sắt cho quá trình tạo máu. Dấu hiệu thường gặp bao gồm: da xanh xao, lòng bàn tay nhợt nhạt hay mệt mỏi, chán ăn, ngủ li bì, dễ cáu gắt, chậm tăng cân. Khi thấy những biểu hiện này, mẹ nên đưa bé đi xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số hemoglobin (Hb), hồng cầu, ferritin từ đó bác sĩ có thể đánh giá mức độ thiếu máu, nguyên nhân và chỉ định bổ sung sắt hoặc điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý. Việc phát hiện sớm thiếu máu có thể giúp bé lấy lại sức sống, ăn ngon ngủ ngoan hơn rất nhiều.

2. Khi bé bị sốt kéo dài, nghi nhiễm khuẩn hoặc viêm

Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu bé sốt cao liên tục trên 3 ngày, không rõ nguyên nhân, kèm theo quấy khóc, mệt mỏi hoặc bỏ bú, mẹ nên đưa bé đi xét nghiệm máu để kiểm tra bạch cầu, CRP, tốc độ lắng máu, các chỉ số này giúp bác sĩ đánh giá xem bé đang bị viêm nhiễm do vi khuẩn hay virus từ đó có hướng điều trị đúng đắn, tránh lạm dụng kháng sinh. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp phát hiện sớm một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm gan, hoặc sốt virus thông thường nhưng cần theo dõi sát sao để không biến chứng.

3. Khi bé chậm tăng cân, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài

Trẻ biếng ăn, chậm lớn, bụng trướng hơi, hay tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài là những dấu hiệu cảnh báo rối loạn hấp thu, thiếu vi chất hoặc rối loạn chuyển hóa. Xét nghiệm máu trong trường hợp này giúp kiểm tra các chỉ số vitamin D, canxi, kẽm, sắt, men gan, chức năng thận, từ đó giúp bác sĩ có căn cứ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hoặc bổ sung vi chất đúng loại, đúng liều lượng. Nhiều mẹ có thói quen tự mua men tiêu hóa, vitamin cho con nhưng nếu không dựa trên chỉ số xét nghiệm cụ thể thì rất dễ gây thừa hoặc  thiếu không kiểm soát, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

4. Khi nghi ngờ bé bị dị ứng, rối loạn miễn dịch hoặc có yếu tố di truyền

Xét nghiệm máu còn giúp phát hiện các dấu hiệu dị ứng tiềm ẩn, điều rất quan trọng với những bé hay nổi mề đay, chàm sữa, viêm da cơ địa hoặc bị tiêu chảy sau khi ăn một số thực phẩm. Thông qua các xét nghiệm định lượng IgE toàn phần và IgE đặc hiệu, bác sĩ có thể xác định loại dị nguyên gây phản ứng (sữa bò, trứng, đậu phộng, phấn hoa, bụi nhà…). Ngoài ra, nếu gia đình có tiền sử bệnh lý di truyền như thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh (thalassemia), bé cũng nên được kiểm tra máu từ sớm để chủ động điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế nguy cơ biến chứng nặng về sau.

5. Khi kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc trước phẫu thuật

Với bé khỏe mạnh, không triệu chứng, xét nghiệm máu không cần thực hiện thường xuyên nhưng có thể được chỉ định khi kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ từ sau 1 tuổi. Đây là cách tốt để mẹ theo dõi toàn bộ chỉ số công thức máu, đường huyết, men gan, mỡ máu… giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn mà chưa biểu hiện ra bên ngoài. Ngoài ra, nếu bé chuẩn bị thực hiện một can thiệp y tế nào đó (phẫu thuật nhỏ, chích ngừa đặc biệt, nội soi, gây mê…), bác sĩ cũng sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để đảm bảo an toàn, kiểm tra phản ứng thuốc hoặc nguy cơ đông máu, mất máu.

6. Bé cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm không? Có đau không?

Tùy loại xét nghiệm mà có yêu cầu khác nhau. Với các xét nghiệm cơ bản như công thức máu, CRP, men gan, chức năng thận… bé không cần nhịn ăn. Nhưng nếu làm xét nghiệm đường huyết, mỡ máu hoặc một số chỉ số chuyên biệt về hấp thu, chuyển hóa, bác sĩ có thể yêu cầu bé nhịn ăn trước 4 - 6 tiếng. Đa số xét nghiệm máu ở trẻ chỉ cần lấy vài ml máu bằng kim nhỏ, thực hiện nhanh chóng trong vài phút. Dù có hơi khóc, nhưng nếu mẹ chuẩn bị tinh thần nhẹ nhàng, động viên con và ôm con ngay sau khi lấy máu thì bé sẽ nhanh chóng quên và không bị ám ảnh.

7. Kết luận 

Vân Anh muốn nhắn với các mẹ rằng: xét nghiệm máu không đáng sợ như mình nghĩ, và quan trọng hơn hết là nó không phải là việc làm thừa nếu mẹ nghi ngờ có điều gì “không ổn” ở con. Bé có thể chưa nói được, chưa biết biểu hiện cụ thể, nhưng cơ thể con luôn có cách phát tín hiệu, chỉ cần mẹ đủ tinh ý và sẵn sàng hành động đúng lúc. Không xét nghiệm tràn lan, nhưng cũng đừng để quá muộn mới kiểm tra. Với sự hướng dẫn của bác sĩ và sự thấu hiểu của mẹ, mọi điều bất thường sẽ được phát hiện sớm, xử lý sớm để bé được lớn lên an toàn, khỏe mạnh và trọn vẹn từng ngày.


Thiều Vân Anh