Cách Khuyến Khích Bé Học Nói Nhanh Hơn
Từ những tiếng “a... ư...” đầu tiên đến lần bé gọi “mẹ” trong veo là cả một hành trình kỳ diệu khiến trái tim mẹ tan chảy. Nhưng không phải bé nào cũng phát triển ngôn ngữ giống nhau, có bé nói sớm, có bé chậm hơn khiến mẹ bối rối, lo lắng. Vân Anh muốn nhắn với mẹ rằng: khả năng nói không phải là cuộc đua, mà là kết quả của sự tương tác, lắng nghe và thói quen ngôn ngữ hằng ngày. Mẹ không cần ép con học nói, nhưng hoàn toàn có thể tạo môi trường khuyến khích để con nói nhanh, nói đúng và nói tự nhiên. Bài viết này sẽ chia sẻ những cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp mẹ đồng hành cùng bé trên hành trình chinh phục ngôn ngữ đầu đời.
1. Giao tiếp thường xuyên, ngay từ khi con chưa biết nói
Đừng chờ tới khi bé bập bẹ từ đầu tiên mẹ mới bắt đầu trò chuyện mà hãy bắt đầu ngay từ những tháng đầu tiên. Mỗi lần thay tã, tắm, cho bé bú hay dắt con đi dạo đều là cơ hội để mẹ nói chuyện nhẹ nhàng, diễn đạt suy nghĩ và phản ứng theo hành động của con. Bé tuy chưa hiểu nghĩa ngay nhưng đang dần học cách lắng nghe, phân biệt âm thanh, ghi nhớ ngữ điệu và kết nối cảm xúc. Giọng nói của mẹ là âm thanh quen thuộc và an toàn nhất với bé, chính vì vậy, mẹ càng nói chuyện nhiều, bé càng có nhiều cơ hội kích hoạt vùng ngôn ngữ trong não bộ, từ đó học nói nhanh hơn, tự tin hơn.
2. Mô tả hành động và cảm xúc mỗi ngày
Mẹ có thể “nói thành lời” tất cả những gì đang diễn ra hằng ngày. Ví dụ: “Mẹ đang thay quần cho con nè, quần màu xanh ha!” hoặc “Con đang cười, vui quá ha con!”. Những câu nói tưởng như đơn giản lại giúp bé liên kết từ với hành động cụ thể, từ đó phát triển vốn từ vựng nhanh hơn. Khi bé bắt đầu phát âm ngọng nghịu, mẹ nên phản hồi đúng, nói lại từ chuẩn nhưng không cần chỉnh sửa gay gắt, ví dụ bé nói “bô bô” thay vì “bánh” thì mẹ nhẹ nhàng đáp lại: “À, con muốn ăn bánh đúng không?” cách này vừa không làm bé mất hứng, vừa củng cố từ đúng một cách tự nhiên.
3. Đọc sách cho bé nghe mỗi ngày
Đọc sách là một trong những cách phát triển ngôn ngữ tốt nhất. Mẹ nên bắt đầu từ các loại sách vải, sách tranh ảnh đơn giản, nhiều màu sắc, ít chữ, nội dung quen thuộc như động vật, đồ vật, biểu cảm khuôn mặt… Khi đọc, mẹ chỉ vào hình ảnh, gọi tên rõ ràng, lặp lại nhiều lần và dùng giọng biểu cảm để thu hút bé. Việc đọc sách không chỉ giúp bé tăng vốn từ, mà còn rèn khả năng chú ý, ghi nhớ, phản xạ và tạo thói quen lắng nghe, tất cả đều là nền tảng để bé nói nhanh và nói rõ. Nên duy trì 5 - 10 phút mỗi ngày, thời điểm tốt nhất là sau ăn hoặc trước giờ ngủ tối.
4. Hát và chơi trò chơi có lời
Âm nhạc là công cụ tuyệt vời để kích thích khả năng ngôn ngữ. Các bài hát thiếu nhi đơn giản như “Ba ngọn nến lung linh”, “Con cào cào” hay “Cháu lên ba” với giai điệu vui tươi, từ ngữ lặp đi lặp lại giúp bé dễ nghe, dễ nhớ và muốn bắt chước theo. Mẹ có thể hát và làm động tác minh họa cùng bé, hoặc chơi trò “vỗ tay theo nhạc”, “trả lời tiếng kêu con vật” để bé vừa vận động vừa tập nói. Những hoạt động này không chỉ tạo niềm vui mà còn giúp bé rèn nhịp điệu ngôn ngữ, học cách nối âm và phát âm trôi chảy hơn.
5. Chờ và khuyến khích bé phản hồi
Một nguyên tắc quan trọng khi dạy bé nói là cho bé thời gian phản hồi thay vì nói liên tục. Khi mẹ hỏi bé điều gì đó, hãy chờ vài giây để bé suy nghĩ và cố gắng trả lời, dù chỉ là âm thanh đơn giản. Khi bé chỉ tay vào đồ vật, mẹ có thể hỏi lại: “Con muốn lấy cái này hả? Cái ly nè. Nói ‘ly’ thử coi nào!” cách này khuyến khích bé kết nối mong muốn với từ vựng, giúp con hiểu rằng lời nói là công cụ để giao tiếp. Dù bé trả lời chưa rõ, mẹ vẫn nên khen ngợi và lặp lại từ đúng để bé học theo một cách tích cực, không áp lực.
6. Hạn chế thiết bị điện tử, tăng thời gian tương tác thực tế
Trẻ em học nói tốt nhất qua giao tiếp thực tế, ánh mắt, nét mặt và cảm xúc của người thật chứ không phải từ tivi hay điện thoại. Dù một số chương trình giáo dục có thể hấp dẫn, nhưng thời gian tiếp xúc với màn hình cần được giới hạn (theo khuyến nghị của WHO là dưới 1 tiếng/ngày với bé 2 tuổi trở xuống), và phải luôn có người lớn tương tác cùng. Thay vì cho bé xem hoạt hình, mẹ nên ưu tiên các hoạt động như đọc sách, kể chuyện, chơi xếp hình, nói chuyện hoặc cùng bé tham gia việc nhà, những trải nghiệm “đời thực” này giúp ngôn ngữ của bé phong phú, sinh động và gần gũi hơn rất nhiều.
7. Quan sát và đồng hành thay vì so sánh
Mỗi bé có tốc độ phát triển ngôn ngữ khác nhau. Có bé 12 tháng đã nói được vài từ, có bé gần 2 tuổi mới bắt đầu bập bẹ rõ ràng. Vân Anh khuyên mẹ đừng so sánh con mình với con người khác, mà hãy quan sát sự tiến bộ đều đặn qua từng tuần, từng tháng. Nếu bé có dấu hiệu tiếp thu tốt, tương tác ánh mắt, hiểu được yêu cầu đơn giản, thì mẹ có thể yên tâm bé đang đi đúng hướng. Trong trường hợp bé trên 18 tháng nhưng chưa có từ đơn rõ ràng, ít tương tác, không phản hồi lời từng lời nói mẹ nên đưa bé đi kiểm tra ngôn ngữ để được hỗ trợ sớm nếu cần.
8. Kết luận
Khuyến khích bé học nói không cần công cụ đắt tiền hay khóa học đặc biệt. Chỉ cần mẹ kiên nhẫn trò chuyện, quan sát và phản hồi với yêu thương, mỗi ngày một chút, ngôn ngữ sẽ đến với con như một điều tự nhiên và thú vị. Mẹ là người hiểu rõ nhất con cần gì, phù hợp với cách nào và chính mẹ, với sự quan tâm dịu dàng mỗi ngày, là người gieo những mầm từ đầu tiên, giúp con phát triển tư duy, cảm xúc và khả năng kết nối trọn vẹn từ trong chính ngôi nhà mình.